Ý nghĩa Thời gian lao động xã hội cần thiết

Khái niệm này dùng để bổ sung, giải thích cho khái niệm giá trị của hàng hóa. Theo đó, giá trị của hàng hóa là do lao động xã hội, lao động trừu tượng của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa. Và lượng giá trị của hàng hóa được đo bằng lượng lao động tiêu hao để sản xuất ra hàng hóa đó và lượng lao động tiêu hao ấy được tính bằng thời gian lao động.

Như vậy, việc dùng đại lượng thời gian lao động để đo giá trị của sản phẩm, hàng hóa có thể dẫn đến mâu thuẫn và gây ngộ nhận rằng người sản xuất ra hàng hóa hay người lao động càng làm biếng hay càng vụng về bao nhiêu thì lượng giá trị hàng hóa của anh ta lại càng lớn bấy nhiêu, vì anh ta càng phải dùng nhiều thời gian hơn để sản xuất ra hàng hóa đó. Như vậy sẽ dẫn đến trường hợp một người làm việc chậm chạp, lê mề, làm việc mất thời gian thì hàng hóa của anh ta tạo ra sẽ có giá trị lớn (vì giá trị là thời gian lao động hao phí, thời gian hao phí càng nhiều thì giá trị càng lớn?)

Chính vì vậy, Các Mác mới đưa ra khái niệm Lao động xã hội cần thiết để giải thích cụ thể, theo đó lao động tạo thành thực thể của giá trị là thứ lao động giống nhau của con người và là chi phí của cùng một sức lao động của con người cho nên nó có tính chất của một sức lao động xã hội trung bình. Do đó, để sản xuất ra một hàng hóa nhất định, chỉ cần dùng một thời gian lao động trung bình cần thiết hoặc "thời gian lao động xã hội cần thiết".

Điều đó cũng có nghĩa là, trong thực tế, có nhiều người cùng sản xuất một loại hàng hóa, nhưng điều kiện sản xuất, trình độ tay nghề, năng suất lao động khác nhau, do đó thời gian lao động hao phí để sản xuất ra hàng hóa đó là khác nhau, tức là có mức hao phí lao động cá biệt khác nhau. Thế nhưng lượng giá trị của hàng hóa không phải do mức hao phí lao động cá biệt hay thời gian lao động cá biệt quy định, mà nó được đo bởi thời gian lao động xã hội cần thiết.

Cụ thể là khi mua bán, mặc cả một loại hàng hóa thì yếu tố thời gian lao động hao phí tạo ra là một trong những yếu tố quyết định đến giá trị của hàng hóa, tuy nhiên thời gian này không phụ thuộc vào định giá của người bán (căn cứ vào thời gian mà họ hao phí để sản xuất) mà sẽ do người mua (cùng người bán) đánh giá giá trị thực dựa trên căn cứ chung trong toàn xã hội (giá thị trường) để trả giá. Và nếu người sản xuất muốn càng nhiều lợi nhuận thì họ phải rút ngắn thời giao lao động của họ xuống càng thấp với thời gian lao động cần thiết (tính theo mặt bằng chung của xã hội hay vùng miền) để dồi ra phần giá trị chênh lệch giữa thời gian lao động xã hội cần thiết đó với thời gian lao động thực tế của họ (đã rút ngắn).